Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần

17/08/2012
Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần trực thuộc Viện Vật lý địa cầu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam được thành lập theo quyết định số 1798/QĐ-KHCNVN ngày 04/09/2007 của Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhằm triển khai quy chế báo tin động đất, cảnh báo sóng thần được ban hành theo quyết định số 264/2006/QĐ-TTg ngày 16/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về công tác theo dõi, thu thập, xử lý thông tin, ra các thông báo về động đất, cảnh báo sóng thần và chuyển các tin đó đến các cơ quan nhà nước có liên quan để phục vụ công tác phòng tránh, cứu hộ, cứu nạn, giảm nhẹ thiệt hại do động đất, sóng thần gây ra. Quy chế áp dụng cho các trường hợp sau:

  • Những trận động đất có độ lớn bằng hoặc lớn hơn 3,5 độ Richter xảy ra trên đất liền và vùng biển Đông gần bờ;
  • Hoạt động núi lửa và những trận động đất có độ lớn lớn hơn 6,5 độ Richter xảy ra ở vùng khác nhưng có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng đến vùng bờ biển và hải đảo Việt Nam;
  • Những cơn sóng thần xảy ra do động đất ở vùng biển xa, có khả năng ảnh hưởng đến bờ biển và hải đảo Việt Nam.

a, Hoạt động của Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần

Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần là nơi thu thập, tiếp nhận số liệu và thông tin về động đất cùng các số liệu liên quan khác về nguy cơ động đất, sóng thần trên lãnh thổ và vùng biển Việt Nam. Tiến hành phân tích, xử lý, kiểm tra, thẩm định các số liệu và thông tin trên và thực hiện báo tin động đất, cảnh báo sóng thần theo quy chế Chính phủ ban hành. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với các nước, tổ chức trên thế giới và khu vực trong hệ thống nhận và báo tin động đất, cảnh báo sóng thần chung, đồng thời thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kiến thức về phòng tránh động đất, sóng thần cho cộng đồng.

Từ ngày thành lập đến nay, trung tâm đã thực hiện việc trực ca 24/24 giờ mỗi ngày. Các cán bộ trực ca có nhiệm vụ theo dõi tình hình động đất ở Việt Nam, khu vực Đông Nam Á từ mạng lưới trạm Việt Nam và khu vực, và hoạt động động đất trên thế giới trên website về hoạt động động đất của Cục Địa chất Mỹ. Phát hiện, xử lý số liệu và báo tin động đất theo quy trình; nhận fax từ các Trung tâm Cảnh báo sóng thần quốc tế; thực hiện việc cảnh báo sóng thần theo 25 kịch bản đã được bàn giao từ Bộ Tài nguyên và Môi trường. Từ ngày thành lập đến nay, tất cả các trận động đất có độ lớn M≥3,5 độ Richter đều được Trung tâm phát hiện và thông báo.

Ngày 26 tháng 1 năm 2011, một trận động đất có độ lớn M=4,7 xảy ra ngoài khơi, cách thành phố Phan Thiết 113km, cách Tp. Hồ Chí Minh 200km, động đất gây nên rung động cấp V (theo thang MSk-64) ở khu vực Vũng Tàu và lân cận.

Ngày 25/5/2011, trận động đất có độ lớn M=3,8 xảy ra tại khu vực Lào Cai, gần biên giới Việt Nam-Trung Quốc, động đất gây nên rung động cấp V ở khu vực Lào Cai và lân cận.

Ngày 7/11/2011, trân động đất có độ lớn M=3,5 xảy ra tại khu vực Thanh Hóa, động đất gây nên rung động cấp IV ở khu vực Vĩnh Lộc-Thanh Hóa.

Từ đầu tháng 11/2011, ở khu vực huyện Bắc Trà My tình Quảng Nam đã xảy râ một số trận động đất: ngày 3/11 xảy ra động đất với độ lớn M=1,9, ngày 16/11 xảy ra động đất với độ lớn M=2,7, ngày 17/11 xảy ra động đất với độ lớn M=3,3, ngày 26/11 xảy ra động đất có độ lớn M=2,1.

Bên cạnh các trận động đất xảy ra trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, Trung tâm cũng phát hiện và cảnh báo được các trận động đất lớn xảy ra trên thế giới như: trận động đất M=9,0 gây sóng thần ở Nhật Bản ngày 11/03/2011.

b, Các hoạt động phục vụ nhiệm vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần

Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần có quan hệ chặt chẽ với Trung tâm Cảnh báo sóng thần Bắc Thái Bình Dương và Cơ quan tư vấn sóng thần Bắc Thái Bình Dương, thường xuyên nhận được fax cảnh báo sóng thần từ hai cơ quan này. Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương cũng đã cử chuyên gia sang hướng dẫn quy trình vận hành chuẩn báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, các hoạt động cần thiết khi có động đất sóng thần cho cán bộ Viện Vật lý địa cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

Ngoài việc giúp đỡ lắp đặt 2 trạm địa chấn hiện đại tại Sơn La và Đà Lạt, Trung tâm Phòng tránh thiên tai châu Á còn giúp đỡ Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần đào tạo cán bộ xử lý số liệu, vận hành hệ thống trạm địa chấn dải rộng trên lãnh thổ Việt Nam, đào tạo cán bộ trẻ phát triển các nghiên cứu về động đất sóng thần ở Việt Nam.

New Jealand đã hợp tác giúp đỡ xây dựng thiết kế mạng lưới trạm, mô hình Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, cài đặt phần mềm Seiscomp 3 cho phép thu nhận số liệu của hơn 20 trạm địa chấn dải rộng trong khu vực, đào tạo nâng cao trình độ nghiên cứu về động đất sóng thần cho cán bộ Việt Nam. Ngoài ra các hợp tác với Cộng hòa Liên bang Nga, Italia cũng góp phần nâng cao trình độ nghiên cứu về động đất và sóng thần ở Việt Nam. Các quan hệ hợp tác quốc tế phong phú này sẽ tiếp tục được mở rộng trong tương lai.

Tháng 5/2011, Viettel đã lắp đặt hệ thống truyền tin cảnh báo sóng thần từ Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần tới 10 trạm báo động trực canh sóng thần ở vùng ven biển Tp Đà Nẵng.

Sau thời gian triển khai thực hiện Quy chế Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần của Thủ tướng Chính phủ, Viện KHCNVN tiến hành nhiều hoạt động để xây dựng hệ thống báo tin động đất và cảnh báo sóng thần ngày càng hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.



Tags:
Tin liên quan