Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam

25/03/2015
Ngày 02/11/2011, Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã ký Hiệp định vay vốn ODA để thực hiện Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Với tổng mức được phê duyệt là 54,4 tỷ yên tương đương 12.363,71 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2011 đến năm 2020, Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã được đánh giá là dự án đầu tư trọng điểm, tạo cơ sở nòng cốt để triển khai thực hiện các hoạt động nghiên cứu - triển khai, đào tạo, ứng dụng và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ đồng thời là dự án về khoa học công nghệ được đầu tư lớn nhất trong vòng 35 năm nay.

Quy hoạch tổng thể Trung tâm Vũ trụ Việt Nam

Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, nhằm thực hiện 2 mục tiêu:

Một là, nâng cấp, thiết lập hệ thống cảnh báo, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc phát triển, ứng dụng cơ sở hạ tầng và thiết bị cho vệ tinh quan sát trái đất;

Hai là, tiến tới làm chủ công nghệ, tự sản xuất vệ tinh nhỏ riêng của Việt Nam theo mục tiêu đặt ra trong Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng Công nghệ Vũ trụ (CNVT) đến năm 2020, qua đó thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ cao cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể:

-    Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Trung tâm Vũ trụ Việt Nam trên diện tích 7 ha tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc;

-    Chuyển giao công nghệ bao gồm ứng dụng dữ liệu ảnh vệ tinh, công nghệ chế tạo, tích hợp, thử nghiệm và điều khiển vệ tinh, chế tạo 02 vệ tinh nhỏ quan sát trái đất sử dụng công nghệ radar: LOTUSat-1&2;

-    Phát triển nguồn nhân lực cho quản lý và điều hành Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, công nghệ vệ tinh và ứng dụng công nghệ vũ trụ;

Theo kế hoạch, năm 2017, vệ tinh quan sát trái đất với cảm biến radar LOTUSat-1 sẽ được chế tạo, tích hợp, thử nghiệm tại Nhật Bản; vệ tinh LOTUSat-2 được chế tạo, tích hợp, thử nghiệm tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam bởi các cán bộ Trung tâm Vệ tinh Quốc gia và sự hỗ trợ của các nhân viên Nhật Bản sẽ được phóng vào năm 2020. Các vệ tinh thuộc Dự án có vai trò như là phương tiện phục vụ phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu cũng như quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hệ thống này sẽ đảm bảo việc quan sát trái đất trong trường hợp thảm họa khẩn cấp với mọi điều kiện thời tiết khí hậu; xây dựng và xử lý các dữ liệu vệ tinh phục vụ giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, các thảm hoạ môi trường; dự báo sớm sản lượng nông nghiệp, nguồn lợi hải sản, cập nhật hệ thống bản đồ điện tử cho quản lý và quy hoạch đất đai; nghiên cứu và phòng chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Đào tạo nhân lực phục vụ chế tạo vệ tinh nhỏ và ứng dụng Công nghệ Vũ trụ là một phần quan trọng của dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Hiện qua dự án đã có 18 cán bộ được cử đi đào tạo ngắn hạn về quản lý dự án; trong 5 năm 2013-2017 sẽ có 54 cán bộ được cử đi đào tạo và nhận chuyển giao công nghệ vệ tinh, trong đó 36 cán bộ được đào tạo trình độ Thạc sỹ tại 5 trường đại học của Nhật Bản. Bên cạnh đó, 32 cán bộ khác sẽ được cử đi đào tạo về ứng dụng công nghệ vệ tinh. Sau quá trình đào tạo, đội ngũ cán bộ này sẽ được làm việc trực tiếp tại các trung tâm vũ trụ, các công ty để thực hành việc thiết kế, tích hợp, thử nghiệm vệ tinh và ứng dụng công nghệ vệ tinh.

Các cán bộ Trung tâm Vệ tinh Quốc gia tại Hội thảo chuyên đề lần thứ nhất về thiết kế, chế tạo và thử nghiệm vệ tinh MicroDragon, Tokyo, Nhật Bản



Tags:
Tin liên quan