Chương trình Khoa học Công nghệ Vũ trụ

15/08/2012
Công nghệ vũ trụ là một ngành công nghệ cao, được tích hợp từ nhiều ngành khoa học công nghệ khác nhau nhằm chế tạo và ứng dụng các phương tiện như vệ tinh, tàu vũ trụ, tên lửa đẩy, trạm mặt đất, v.v… để khám phá, chinh phục và sử dụng khoảng không vũ trụ vì lợi ích con người. Khoa học công nghệ vũ trụ ngày nay được ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, … tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả các nước đang phát triển.

Sớm nhận thức được tầm quan trọng của khoa học và công nghệ vũ trụ, ngày 27/12/1979, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 454/CP thành lập “Ủy ban nghiên cứu vũ trụ Việt Nam” và giao cho Ủy ban thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị nội dung khoa học cho “Chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Việt Nam”. Từ 23 đến 31/07/1980, chuyến bay hợp tác Xô - Việt đã được thực hiện thành công. Anh hùng Phạm Tuân - phi công vũ trụ đầu tiên của Việt Nam đã cùng bay với nhà du hành vũ trụ Nga - V.V Gorbatco và thực hiện một số thí nghiệm khoa học trong vũ trụ. Tuy nhiên, sau đó Chương trình hợp tác bị ngắt quãng do Liên xô và khối Đông Âu bị sụp đổ.

Trong những năm gần đấy, nhiều thành tựu của khoa học và công nghệ vũ trụ (CNVT) đã được triển khai ứng dụng ở nước ta, đặc biệt trong các lĩnh vực thông tin liên lạc, khí tượng thủy văn, viễn thám, định vị nhờ vệ tinh, ... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, phạm vi và hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng CNVT ở nước ta còn hạn chế, chưa tương xứng với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và tương lai của đất nước.

Nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng CNVT, đưa CNVT phục vụ thiết thực và có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, từ giữa năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, Ngành có liên quan xây dựng Đề án “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”. Chiến lược được xây dựng nhằm xác định mục tiêu, nội dung, giải pháp nghiên cứu và ứng dụng CNVT của Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020.

Ngày 14/06/2006 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 137/2006/QĐ/TTg  phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” của Việt Nam, trong đó, giao Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau đây:

  1. Nghiên cứu các vấn đề cơ bản có chọn lọc liên quan đến khoa học công nghệ vũ trụ.
  2. Chủ trì việc nghiên cứu và phát triển công nghệ vệ tinh nhỏ.
  3. Thành lập Viện Công nghệ vũ trụ trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
  4. Chủ trì xây dựng, trình duyệt Bộ KH&CN, tổ chức thực hiện Chương trình khoa học công nghệ độc lập cấp Nhà nước về công nghệ vũ trụ (gọi tắt là Chương trình KHCNVT), dự án phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ vũ trụ.

Để tạo ra tiềm lực về khoa học công nghệ vũ trụ, bao gồm nguồn nhân lực KHCN vũ trụ, cơ sở vật chất, thiết bị, triển khai ứng dụng CNVT phục vụ quản lý tài nguyên, thiên nhiên, môi trường và thiên tai, nhằm từng bước làm chủ công nghệ vệ tinh, đạt trình độ tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, đồng thời phát triển các phần mềm, nâng cao khả năng ứng dụng CNVT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KHCN quản lý và Viện KHCNVN chủ trì xây dựng và thực hiện Chương trình KHCN vũ trụ.

Các hướng nghiên cứu chính của Chương trình KHCNVT bao gồm:

  • Nghiên cứu công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất,
  • Nghiên cứu chế tạo thiết bị, trạm mặt đất,
  • Nghiên cứu mở rộng và nâng cao hiệu quả ứng dụng CNVT phục vụ phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng (xử lý và ứng dụng ảnh viễn thám; nghiên cứu lựa chọn và ứng dụng hệ thống định vị GPS . . .)
  • Các nghiên cứu cơ bản liên quan đến Công nghệ vũ trụ: các thuật toán nén và giải nén ảnh, mã hóa và giải mã; các thuật toán  điều khiển; khí động học, động lực học và cơ học đối với vật thể bay; vật lý khí quyển; năng lượng; vật liệu vũ trụ; y - sinh học vũ trụ, v.v.
  • Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý của Việt Nam về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình.

Chương trình đã được thực hiện thử nghiệm thành công trong 3 năm (2008-2011), tạo ra một số sản phẩm công nghệ cao, một số nghiên cứu cơ bản, ứng dụng có chất lượng cao, qua đó các Bộ, Ngành cũng như cộng đồng đã nhận thấy vai trò không thể thiếu của CNVT trong phát triển bền vững KT-XH, an ninh quốc phòng.

Tháng 10/2012, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký quyết định thành lập Ban chủ nhiệm Chương trình và phê duyệt Khung Chương trình KHCNVT giai đoan 2012-2015, giao Viện KHCNVN chủ trì thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình.

Chương trình bao gồm 4 hướng chính:

  • Công nghệ vệ tinh
  • Ứng dụng công nghệ vũ trụ
  • Nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng CNVT
  • Công nghệ tên lửa đẩy

Các nhiệm vụ sẽ được các Hội đồng tư vấn khoa học xem xét, trình Chủ tịch Viện KHCNVN phê duyệt thực hiện dưới 2 hình thức: tuyển chọn và giao trực tiếp, tùy theo tính chất của nhiệm vụ và cơ quan thực hiện. Chương trình được thông báo đến các cơ quan, trường đại học trong cả nước, qua đó đã xây dựng được nhiều nhiệm vụ có giá trị khoa học công nghệ và tính ứng dụng thực tiễn cao, đồng thời tạo ra được những nhóm nghiên cứu mạnh, hợp tác giữa các cơ quan, trường đại học để phát triển ngành KHCN vũ trụ của nước nhà, nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ của “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng CNVT đến năm 2020”.



Tags:
Tin liên quan