Ngày 01/12/2011 Thủ tướng Chính Phủ đã phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN
1. Quy hoạch tổng thể phát triển Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ và các chủ trương, chính sách có liên quan của Đảng, Nhà nước.
2. Phát triển Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam với bước đột phá mạnh mẽ, trở thành một trung tâm nghiên cứu, đào tạo cán bộ khoa học và công nghệ mạnh, đa ngành, làm đầu tàu, động lực phát triển khoa học và công nghệ của đất nước, góp phần quan trọng để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
3. Tập trung xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế để thúc đẩy việc đổi mới công nghệ quốc gia, đặc biệt là công nghệ cao, đồng thời góp phần nâng cao trình độ và khẳng định vị thế khoa học của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
4. Đổi mới cơ bản việc xây dựng, tổ chức thực hiện và đánh giá hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính và phương thức đầu tư đối với hoạt động khoa học và công nghệ của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam trở thành một trung tâm khoa học và công nghệ hàng đầu của cả nước, nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, với đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ chuyên môn cao, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, đạt trình độ tiên tiến trên thế giới, có quan hệ hợp tác quốc tế sâu rộng với nhiều nước có nền khoa học và công nghệ phát triển, đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ và sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Mục tiêu đến năm 2020
Phát triển Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, với tiềm lực khoa học và công nghệ đạt trình độ tiên tiến ở khu vực Đông Nam Á.
Từng bước nâng cao vai trò tư vấn của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đối với Chính phủ trong việc hoạch định chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ tác hại của thiên tai và các lĩnh vực có liên quan.
Tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ cho đất nước. Tập trung đầu tư phát triển một số viện nghiên cứu chuyên ngành có thế mạnh, nâng cấp Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia do Viện quản lý đạt trình độ tiên tiến ở khu vực Đông Nam Á.
Xây dựng được khoảng 10 tổ chức khoa học và công nghệ trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh, có uy tín quốc tế, có đủ năng lực giải quyết những nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng của quốc gia và đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao cho đất nước.
Tổ chức Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam với cơ cấu 35 viện nghiên cứu chuyên ngành, và các tổ chức sự nghiệp trực thuộc; 01 Học viện Khoa học và Công nghệ; phát triển 15 doanh nghiệp khoa học và công nghệ (doanh nghiệp spin-off). Xây dựng được đội ngũ 3.500 cán bộ biên chế và 1.700 cán bộ hợp đồng, trong đó 50% là cán bộ khoa học có học vị tiến sỹ, thạc sỹ. Phấn đấu đạt tỷ lệ cán bộ nghiên cứu/cán bộ hỗ trợ nghiên cứu nhỏ hơn 1 để tạo ra cơ cấu vận hành hợp lý của các viện chuyên ngành.
Xây dựng được khoảng 5 tạp chí nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ Việt Nam có thế mạnh đạt chuẩn mực được quốc tế công nhận.
Số lượng công trình khoa học được công bố quốc tế, số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ tăng gấp ba lần so với giai đoạn 2001 - 2010.
Đến năm 2020, 100% nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên có kết quả được công bố trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín ở trong nước và nước ngoài; 50% các tổ chức nghiên cứu cơ bản trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam có đủ tiêu chuẩn và điều kiện hội nhập được với khu vực và thế giới.
Tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án khoa học và công nghệ quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
b) Mục tiêu đến năm 2030
Xây dựng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, đạt trình độ tiên tiến ở châu Á.
Khẳng định được vai trò của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan tư vấn hàng đầu của Chính phủ trong việc hoạch định chiến lược, chính sách phát triển đất nước trong các lĩnh vực có liên quan.
Tăng cường năng lực nghiên cứu và triển khai, đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ. Gắn nghiên cứu với phát triển công nghệ, sản xuất thử nghiệm. Thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ và thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ.
Tổ chức Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam với cơ cấu 40 viện nghiên cứu chuyên ngành và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc; 01 Học viện Khoa học và Công nghệ; phát triển 20 doanh nghiệp spin-off và các tổ chức ứng dụng triển khai công nghệ. Xây dựng được đội ngũ 4.000 cán bộ biên chế, 2.000 cán bộ hợp đồng, trong đó 60% là cán bộ khoa học có học vị tiến sỹ, thạc sỹ. Tỷ lệ cán bộ nghiên cứu/cán bộ hỗ trợ nghiên cứu nhỏ hơn 1 để tạo ra cơ cấu vận hành hợp lý của các viện chuyên ngành.
Xây dựng được khoảng 10 tạp chí nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ đạt chuẩn mực được quốc tế công nhận.
Số lượng công trình khoa học được công bố quốc tế, số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ tăng gấp hai lần so với giai đoạn 2011 - 2020.
Đến năm 2030, 100% nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên có kết quả được công bố trên các tạp chí có uy tín ở trong nước và nước ngoài. Khoảng 75% các tổ chức nghiên cứu cơ bản trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam có đủ tiêu chuẩn và điều kiện hội nhập được với khu vực và thế giới.
Xây dựng được 15 tổ chức khoa học và công nghệ trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh có cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại, đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới để giải quyết những nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng của quốc gia.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
1. Định hướng chung
a) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ
Phát triển quy mô và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh các hướng nghiên cứu có tính chất đa ngành, liên ngành, trọng điểm, tích hợp nhiều chuyên môn của các viện chuyên ngành nhằm tận dụng và phát huy lợi thế so sánh của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ưu tiên phát triển một số hướng khoa học và công nghệ mũi nhọn, lĩnh vực nghiên cứu mới. Phát triển một số công nghệ nguồn, công nghệ thích nghi và ứng dụng một số công nghệ mới nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế, phục vụ thiết thực các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tăng cường đầu tư kinh phí cho nghiên cứu cơ bản, nhất là các lĩnh vực thế mạnh của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia.
Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và mục đích công cộng.
Tập trung phát triển công nghệ cơ bản, công nghệ nguồn góp phần phục vụ việc sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của các sản phẩm trọng điểm, sản phẩm chủ lực quốc gia.
Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc ứng dụng và phát triển công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại và công nghệ mới phục vụ trực tiếp cho việc triển khai thực hiện Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, Kế hoạch phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đến năm 2020 và các chương trình, đề án khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
b) Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ
Nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam theo hướng tiệm cận tới trình độ quốc tế. Xây dựng một số nhóm nghiên cứu mạnh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, có đủ năng lực giải quyết những nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng của quốc gia. Ưu tiên đầu tư có trọng tâm cho các hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ trọng điểm của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong từng giai đoạn cụ thể.
Đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ. Gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo hướng tập trung ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Hình thành và phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ từ các viện chuyên ngành. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ, hỗ trợ đăng ký bảo hộ và khai thác sáng chế.
Tăng cường đầu tư nâng cấp trang thiết bị để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam quản lý.
Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, trang thiết bị theo các chuẩn mực quốc tế để phục vụ có hiệu quả công tác nghiên cứu phát triển của các viện chuyên ngành trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
c) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Đẩy mạnh các hoạt động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ. Nâng cao sự hiện diện của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong các hoạt động khoa học và công nghệ quốc tế (hội nghị, hội thảo, chương trình hợp tác nghiên cứu, trao đổi khoa học, công bố quốc tế, công tác quảng bá hình ảnh…).
Tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác nghiên cứu giữa Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam với các tổ chức khoa học và công nghệ có uy tín của các nước trong khu vực Đông Nam Á và các cơ quan nghiên cứu quốc tế khác.
Tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế để phục vụ có hiệu quả việc đổi mới công nghệ quốc gia, nhất là công nghệ cao và các chương trình, đề án khoa học và công nghệ quốc gia. Xúc tiến thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ của Việt Nam ra thế giới.
2. Định hướng cho từng lĩnh vực
a) Nghiên cứu cơ bản
Tập trung nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên cơ sở và các ngành có tiềm năng, lợi thế phát triển nhằm nâng cao trình độ, vị thế của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Đầu tư kinh phí thỏa đáng cho nghiên cứu cơ bản theo yêu cầu phát triển đất nước. Phát triển khoa học và công nghệ, phục vụ quốc phòng, an ninh và mục đích công cộng.
Đánh giá kết quả nghiên cứu cơ bản thông qua số lượng các công bố quốc tế trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín.
Gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản với công tác đào tạo sau đại học và đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ.
Ưu tiên đầu tư để xây dựng một số tổ chức khoa học và công nghệ trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh về nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ đạt trình độ tiên tiến ở khu vực Đông Nam Á.
b) Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ
Tập trung đầu tư nghiên cứu vào các hướng khoa học và công nghệ mũi nhọn và trọng điểm, để đáp ứng những nhu cầu thiết thực, cấp thiết, có hàm lượng khoa học cao, có ý nghĩa then chốt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tự nghiên cứu để phát triển công nghệ nguồn; tiếp nhận chuyển giao công nghệ, học tập, làm lại các công nghệ tiên tiến của nước ngoài.
Tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển 7 hướng khoa học và công nghệ mũi nhọn, có ý nghĩa thiết thực đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bao gồm:
- Công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa và công nghệ vũ trụ (ICT-electronics-automation-space technology);
- Công nghệ sinh học (Biotechnology);
- Khoa học vật liệu (Material Sciences);
- Đa dạng sinh học và các chất có hoạt tính sinh học (Biodiversity and Biologically active substances);
- Khoa học trái đất (Earth Sciences);
- Khoa học và công nghệ biển (Marine Science and Techonology);
- Môi trường và Năng lượng (Environment and Energy).
Đánh giá nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ thông qua các công bố quốc tế trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín và các bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích (patent).
c) Ứng dụng và triển khai công nghệ
Ứng dụng có hiệu quả các công nghệ mũi nhọn, công nghệ cao, như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ vũ trụ và công nghệ tự động hóa vào sản xuất và đời sống.
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các giải pháp khoa học và công nghệ để khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng chống và giảm nhẹ tác hại của thiên tai. Ứng dụng các công nghệ mới trong điều tra tài nguyên, kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn thẩm định, bảo tàng thiên nhiên, thông tin xuất bản, phổ biến khoa học và công nghệ nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ, góp phần phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Khuyến khích các hoạt động ươm tạo công nghệ, phát triển doanh nghiệp spin-off. Đầu tư xây dựng, hoàn thiện tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động các khu sản xuất thử nghiệm công nghệ.
Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống của nhân dân, góp phần giải quyết một số vấn đề quan trọng trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
d) Xây dựng tiềm lực cán bộ
Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ cao của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo. Đào tạo theo chuẩn mực quốc tế. Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Phối hợp chặt chẽ với các trường đại học trong các hoạt động nghiên cứu cơ bản về lĩnh vực toán học, vật lý lý thuyết và các lĩnh vực khoa học tự nhiên khác.
Xây dựng kế hoạch bổ sung nguồn cán bộ khoa học và công nghệ và đào tạo lại cán bộ khoa học để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong tình hình mới.
Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút được các nhà khoa học giỏi, các chuyên gia đầu ngành về làm việc cho Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Xây dựng và triển khai chương trình hỗ trợ cán bộ trẻ; gửi cán bộ trẻ đi đào tạo và đào tạo nâng cao ở nước ngoài trong những hướng nghiên cứu cần phát triển thông qua các chương trình hợp tác quốc tế của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hoặc thông qua chương trình đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài của Nhà nước.
Ưu tiên đầu tư để hình thành một số nhóm nghiên cứu mạnh của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành.
Củng cố, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, hành chính, dịch vụ, phục vụ… để đáp ứng tốt các yêu cầu nhiệm vụ của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong từng giai đoạn phát triển.
đ) Củng cố và phát triển tổ chức
Kiện toàn, phát triển Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các đơn vị trực thuộc có cơ cấu tổ chức hợp lý, phù hợp với xu hướng hội nhập và thông lệ quốc tế, phát huy hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Chỉ thành lập mới các tổ chức khoa học và công nghệ trong những lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược phát triển của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
e) Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật
Đầu tư nâng cấp, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, trang thiết bị cho các đơn vị trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đạt tiêu chuẩn tiên tiến ở khu vực về diện tích, điều kiện làm việc và trang thiết bị khoa học.
Quy hoạch hợp lý, đầu tư xây dựng và trang bị phương tiện máy móc cho mạng lưới trạm, trại, khu thử nghiệm, khu triển khai công nghệ nhằm phục vụ tốt yêu cầu hoạt động khoa học và công nghệ của các đơn vị trực thuộc.
Đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng thông tin khoa học và công nghệ (bao gồm: Mạng internet, thư viện, thư viện số, xuất bản sách, tạp chí khoa học công nghệ…) đạt trình độ tiên tiến ở khu vực Đông Nam Á.
Thực hiện cơ chế thí điểm xây dựng nhà ở tập thể dành cho cán bộ trẻ thuê khi mới về Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm việc.
g) Hợp tác quốc tế
Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế với những đối tác truyền thống. Đa phương hóa, đa dạng hóa loại hình hợp tác. Tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế nhằm nâng cao uy tín và vị thế của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong cộng đồng khoa học khu vực và quốc tế.
Tận dụng các cơ hội hợp tác quốc tế để tiếp cận nền khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới, đào tạo nâng cao trình độ cán bộ và đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Hợp tác quốc tế tập trung ưu tiên vào các hướng chủ yếu sau đây:
- Hợp tác trao đổi khoa học và công nghệ;
- Chuyển giao công nghệ;
- Đào tạo nguồn nhân lực;
- Hợp tác tư vấn, trao đổi chính sách phát triển khoa học và công nghệ.
Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để thu hút và tranh thủ có hiệu quả sự đóng góp trí tuệ của các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài cho sự nghiệp khoa học và công nghệ của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Đổi mới cơ chế hợp tác quốc tế theo hướng mở rộng quyền tự chủ của các tổ chức, cá nhân. Có cơ chế, chính sách, nhất là các chính sách liên quan đến quyền lợi của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ để phù hợp với tình hình thực tiễn. Hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác hợp tác quốc tế.
IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Giải pháp chung
a) Tập trung nguồn lực để nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Gắn các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các chương trình, đề án khoa học và công nghệ quốc gia. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và mục đích công cộng.
b) Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan nghiên cứu khác trong việc tư vấn, đề xuất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm phục vụ yêu cầu phát triển của quốc gia. Hình thành các chương trình nghiên cứu có tính đa ngành, liên ngành, trong đó có các đơn vị trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng tham gia nghiên cứu, giải quyết những vấn đề tổng thể, có ý nghĩa chiến lược quốc gia. Xây dựng các chương trình nghiên cứu mang tính đơn ngành, đa ngành, ở các quy mô khu vực Đông Dương, Đông Nam Á và vành đai Thái Bình Dương; các hướng nghiên cứu trọng điểm, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn.
c) Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ và có cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc thù để thu hút nhân tài, tăng cường tiềm lực cán bộ khoa học cho Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
d) Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang bị phương tiện kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học, phát triển và tạo ra công nghệ mới.
đ) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về chuyên gia, về đào tạo cán bộ khoa học, về tài chính để phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Chú trọng hợp tác quốc tế để nghiên cứu các vấn đề cùng quan tâm, mua bán trao đổi công nghệ, đầu tư phát triển các tổ chức, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
2. Giải pháp cho từng lĩnh vực
a) Nghiên cứu cơ bản
Tập trung nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên cơ sở (toán học, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý…) và các ngành có tiềm năng phát triển nhằm nâng cao trình độ, vị thế của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Ưu tiên đầu tư nghiên cứu một số vấn đề lý thuyết thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên cơ sở, tập trung chủ yếu vào các ngành: Toán học, công nghệ thông tin, các khoa học hệ thống và điều khiển học, vật lý chất rắn, quang học, điện tử học lượng tử, vật lý hạt nhân, cơ học các kết cấu công trình, cơ học các vật liệu mới, động lực học, các hệ thủy khí động học, hóa hữu cơ, hấp phụ và xúc tác, hóa phân tích, công nghệ gen, công nghệ tế bào, sinh học phân tử, cấu trúc địa chất và đặc điểm địa động lực Việt Nam, vật lý địa cầu, nghiên cứu địa lý, biến đổi khí hậu, dự báo các quá trình tai biến tự nhiên Việt Nam, nghiên cứu biển và thềm lục địa.
Đầu tư kinh phí thỏa đáng, có trọng điểm cho nghiên cứu cơ bản theo yêu cầu phát triển đất nước. Phát triển khoa học và công nghệ, phục vụ quốc phòng, an ninh và mục đích công cộng.
Đánh giá kết quả nghiên cứu cơ bản thông qua số lượng các công bố quốc tế trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín.
Gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản với công tác đào tạo sau đại học và đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ. Các viện nghiên cứu cơ bản đều phải có chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ; tham gia đào tạo cho các trường đại học, cao đẳng; có kế hoạch cụ thể về đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực để giữ vững được các hướng nghiên cứu truyền thống của mình.
Ưu tiên đầu tư để xây dựng một số tổ chức khoa học và công nghệ trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh đạt trình độ tiên tiến ở khu vực Đông Nam Á, trở thành hạt nhân khẳng định uy tín và vị thế quốc tế của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam về nghiên cứu cơ bản.
b) Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ
Thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ theo các chương trình, đề án khoa học và công nghệ quốc gia, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Viện, các dự án về điều tra cơ bản, bảo vệ môi trường, Biển Đông - Hải đảo và một số nhiệm vụ đột xuất khác theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Phát triển các lĩnh vực khoa học và công nghệ là thế mạnh của Viện, đồng thời có cơ chế liên kết các viện chuyên ngành để phối hợp giải quyết các vấn đề thực tiễn, tập trung vào đáp ứng những nhu cầu thiết thực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Tự nghiên cứu để phát triển công nghệ nguồn. Tiếp nhận chuyển giao công nghệ, học tập, làm lại các công nghệ tiên tiến của nước ngoài.
Đổi mới phương thức lựa chọn, thẩm định, đánh giá, tổ chức nghiệm thu các đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, đúng thực chất, tránh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ phải có mục tiêu, địa chỉ ứng dụng và sản phẩm cụ thể. Đầu tư đủ kinh phí và thời gian cần thiết để thực hiện các đề tài có giá trị ứng dụng công nghệ cao. Kiên quyết loại bỏ các đề tài nghiên cứu ứng dụng tiềm tàng, không có địa chỉ ứng dụng cuối cùng.
Tập trung nguồn lực để triển khai các nội dung nhiệm vụ trong 7 hướng khoa học và công nghệ mũi nhọn, trọng điểm, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể như sau:
- Công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa và công nghệ vũ trụ (ICT, Electronics, Automation, Space technology), bao gồm:
Hệ thống thông tin: Hệ cơ sở dữ liệu lớn, đa phương tiện, hệ thống thông tin địa lý, hệ thống thông tin quản lý;
Trí tuệ nhân tạo: Xử lý ngôn ngữ, xử lý ảnh, hệ trợ giúp quyết định, tương tác người - máy, học máy, khai thác tri thức từ dữ liệu, các hệ thống thông minh;
Công nghệ mạng: Mạng không dây, an ninh mạng, internet thế hệ mới;
Công nghệ tính toán hiện đại: Tính toán hiệu năng cao, tính toán lưới, tính toán đám mây. Ứng dụng mô hình hóa và mô phỏng nghiên cứu các hệ thống lớn và phức tạp trong tự nhiên và kỹ thuật;
Tự động hóa: Hệ thống nhúng, công nghệ robot, các hệ đo và điều khiển thông minh, thị giác máy;
Công nghệ quang tử và quang điện tử: Quang tử nano, thông tin quang, linh kiện và thiết bị quang điện tử và thiết bị quang phổ đặc chủng;
Công nghệ sensor, công nghệ vi cơ điện tử và nano cơ điện tử (MEMS-NEMS);
Phát triển, chế tạo và ứng dụng các thiết bị điện tử, cơ điện tử và quang điện tử, các thiết bị đo lường và điều khiển, các hệ laser đặc chủng, các thiết bị hiển vi vật lý, v.v.
Công nghệ vệ tinh: Nghiên cứu chế tạo và vận hành khai thác một số phân hệ chính như các trạm thu tín hiệu vệ tinh, thiết bị chụp ảnh, xác định và điều khiển tư thế vệ tinh, thông tin, năng lượng;
Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ viễn thám, hệ thông tin địa lý (GIS) và công nghệ định vị nhờ vệ tinh; nghiên cứu chế tạo và ứng dụng các thiết bị đo lường và quan trắc từ xa;
Nghiên cứu một số vấn đề chọn lọc trong KHCN vũ trụ: Y sinh học và vật liệu trong môi trường vũ trụ, khai thác năng lượng từ vũ trụ, động lực học và điều khiển vệ tinh, v.v.
- Công nghệ sinh học (Biotechnology), bao gồm:
Sử dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến thuộc các ngành omics, công nghệ nano sinh học, miễn dịch học phân tử và bioinformatics nhằm đánh giá đúng đắn bảo vệ bền vững và khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên sinh học đặc hữu;
Đánh giá, bảo vệ và khai thác tài nguyên sinh vật đặc hữu, chú trọng tài nguyên sinh vật biển;
Phát triển công nghệ tế bào mô phôi trong bảo tồn và tạo giống, trong chẩn đoán và điều trị;
Phát triển các lĩnh vực omics nhằm hoàn thiện công nghệ tạo ra sinh phẩm tổng hợp và tái tổ hợp phục vụ phát triển nông lâm ngư nghiệp, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường;
Công nghệ nano sinh học trong chẩn đoán, vận chuyển thuốc và điều trị bệnh ở người và vật nuôi;
Đưa Tin sinh học thành một lĩnh vực nghiên cứu và dịch vụ có hiệu quả.
- Khoa học vật liệu (Material Sciences), bao gồm:
Khoa học và công nghệ micro và nano, bao gồm cả quang tử micro và nano;
Khoa học vật liệu lý thuyết và tính toán;
Các vấn đề khoa học vật liệu hướng tới sự phát triển năng lượng xanh;
Các vấn đề khoa học vật liệu góp phần giám sát và bảo vệ môi trường;
Các vấn đề khoa học vật liệu góp phần phát triển nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu;
Công nghệ vật liệu bảo vệ và bảo quản;
Công nghệ các vật liệu sinh - y học;
- Đa dạng sinh học và các chất có hoạt tính sinh học (Biodiversity and Biologically active substances), bao gồm:
Điều tra, đánh giá khu hệ sinh vật Việt Nam;
Đa dạng sinh học và bảo tồn nhằm khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật;
Các nghiên cứu về sinh thái học và môi trường;
Nghiên cứu và phát triển các chất có hoạt tính sinh học cao từ tài nguyên sinh vật của Việt Nam;
Nghiên cứu các phương pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng để tổng hợp các chất có hoạt tính sinh học cao;
Nghiên cứu và phát triển các sản phẩm thực phẩm chức năng.
- Khoa học trái đất (Earth Sciences), bao gồm:
Nghiên cứu về tai biến thiên nhiên và biến đổi khí hậu bao gồm: Nghiên cứu nguyên nhân, cơ chế hình thành, xu thế phát triển các dạng tai biến thiên nhiên trong mối liên quan tới biến đổi khí hậu; đánh giá mức độ nguy hiểm của các tai biến, đề xuất các giải pháp, chiến lược ứng phó, cảnh báo và giảm nhẹ thiệt hại do tai biến gây ra; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm phòng tránh, giảm nhẹ và ứng phó với tai biến thiên nhiên và biến đổi khí hậu;
Nghiên cứu về sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, bao gồm: Nghiên cứu điều tra các dạng tài nguyên, phát hiện các dạng tài nguyên mới phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu, phát triển các giải pháp khoa học và công nghệ khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chiến lược phân vùng, quy hoạch, quản lý tổng hợp, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
- Khoa học và công nghệ biển (Marine Science and Technology), bao gồm:
Điều tra, nghiên cứu các đặc trưng cơ bản về tự nhiên, tài nguyên, môi trường, các quy luật và các quá trình động lực, tương tác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và chủ quyền quốc gia trên biển;
Nghiên cứu tài nguyên truyền thống và các dạng mới ở vùng biển - đảo, nhất là vùng biển sâu;
Nghiên cứu hóa sinh và dược liệu biển, công nghệ sinh học biển, các hệ sinh thái, đa dạng sinh học và bảo tồn biển;
Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ cao và quy trình tiên tiến cho khảo sát và nghiên cứu, khai thác và chế biến tài nguyên, dự báo tài nguyên và môi trường, biến đổi khí hậu và thiên tai ở vùng biển;
Nghiên cứu các vấn đề về công trình biển phục vụ phát triển kinh tế biển - đảo và quốc phòng;
Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, quản lý tổng hợp biển - vùng bờ biển và phát triển bền vững;
Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ trao đổi, nghiên cứu và quản lý biển.
- Môi trường và Năng lượng (Environment and Energy), bao gồm:
Nghiên cứu phát triển công nghệ tiên tiến xử lý chất thải sinh hoạt và sản xuất;
Nghiên cứu công nghệ sạch, công nghệ tái chế, tái sử dụng chất thải;
Nghiên cứu phát triển công cụ kỹ thuật phục vụ trong công tác quản lý môi trường;
Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường và cuộc sống con người;
Nghiên cứu phát triển bền vững hệ thống năng lượng quốc gia và an ninh năng lượng;
Nghiên cứu phát triển công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học, điện hạt nhân;
Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng;
Nghiên cứu giảm thiểu tác hại của hoạt động năng lượng tới môi trường.
Tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 (bao gồm: Dự án chế tạo và phóng vệ tinh nhỏ quan sát trái đất; Chương trình khoa học và công nghệ độc lập về công nghệ vũ trụ); các dự án trong “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên môi trường Biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đánh giá nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ thông qua các công bố quốc tế trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín và các bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích.
c) Ứng dụng và triển khai công nghệ
Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống xã hội; thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ thông qua thị trường khoa học và công nghệ. Khuyến khích hỗ trợ các hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp spin-off, thành lập và phát triển các doanh nghiệp spin-off.
Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để tổ chức ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, phục vụ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường và mục đích công cộng.
Ứng dụng công nghệ máy tính trong phát triển công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp chủ lục. Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ vũ trụ và công nghệ tự động hóa vào sản xuất và đời sống.
Triển khai một số hoạt động ứng dụng công nghệ và chuyển giao công nghệ để xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch và phát triển bền vững (tuyển chọn các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, ứng dụng công nghệ sinh học và các biện pháp sinh học tiên tiến để sản xuất các loại nông sản sạch). Xây dựng mô hình làng sinh thái, giải quyết nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn…
d) Tăng cường các hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, điều tra cơ bản, tư vấn thẩm định, bảo tàng thiên nhiên, thông tin, xuất bản, phổ biến khoa học và công nghệ
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các giải pháp khoa học và công nghệ để khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ tác hại của thiên tai. Chuẩn bị lực lượng để chủ động giải quyết kịp thời các nhiệm vụ, tình huống đột xuất. Ứng dụng các công nghệ mới trong điều tra tài nguyên, kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn thẩm định, bảo tàng thiên nhiên, thông tin xuất bản, phổ biến khoa học và công nghệ nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Triển khai thực hiện nghiêm Quy chế báo tin động đất và cảnh báo sóng thần: Tổ chức công tác trực liên tục 24/24 giờ trong ngày, 7/7 ngày trong tuần; thông báo kịp thời cho các cơ quan hữu quan và trên phương tiện thông tin đại chúng về các trận động đất có cường độ từ 3,5 độ Richter trở lên xảy ra trên đất liền và vùng Biển Đông gần bờ Việt Nam; theo dõi hoạt động của núi lửa và các trận động đất có cường độ lớn hơn 6,5 độ Richter xảy ra ở các vùng biển khác nhưng có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng tới Việt Nam để kịp thời cảnh báo sóng thần theo quy chế.
Tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể Hệ thống bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 86/2006/QĐ-TTg ngày 20 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ. Bước đầu triển khai xây dựng Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam tại Hà Nội và đầu tư xây dựng Bộ mẫu vật quốc gia của Bảo tàng. Nâng cấp các bảo tàng hiện có trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Nâng cao chất lượng công tác thông tin, xuất bản nhằm phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và triển khai ứng dụng công nghệ, giới thiệu và quảng bá các sản phẩm và công trình khoa học của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Chú trọng sử dụng công nghệ thông tin hiện đại trong công tác thông tin và xuất bản.
Nâng cao chất lượng 12 tạp chí chuyên ngành của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong đó tập trung đầu tư nâng cấp một số tạp chí đạt chuẩn mực, được quốc tế công nhận. Tiếp tục thực hiện Đề án bộ sách chuyên khảo về khoa học và công nghệ. Xây dựng bộ sách tham khảo về công nghệ mũi nhọn trong thế kỷ XXI. Xây dựng, kiện toàn hệ thống phát hành, hoạt động thông tin và xuất bản của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các đơn vị trực thuộc.
Tăng cường đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thư viện, nhất là thư viện điện tử để thực hiện việc truy cập thông tin qua internet và hệ thống mạng nội bộ. Tăng đầu tư kinh phí mua các tạp chí khoa học và công nghệ ngoại văn, trong đó có các tạp chí online.
Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin của trụ sở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Hà Nội và của các đơn vị trực thuộc. Nâng cấp mạng LAN và kết nối với mạng VINAREN. Nâng cấp Trang tin điện tử của Viện, bảo đảm cập nhật thông tin thường xuyên.
đ) Đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ
Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập Học viện Khoa học và Công nghệ trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam để tập trung đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ở các viện chuyên ngành, đồng thời giúp các viện chuyên ngành tham gia công tác đào tạo; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Tham gia công tác đào tạo cán bộ giảng dạy có khả năng nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, cao đẳng và đào tạo học viên là người nước ngoài. Vận động các trường đại học gửi sinh viên và cán bộ đến học và làm luận án tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Phối hợp chặt chẽ với các trường đại học để triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực toán học, vật lý lý thuyết và các lĩnh vực khoa học tự nhiên khác.
e) Xây dựng tiềm lực cán bộ
Xây dựng cơ chế, chính sách để tạo đột phá trong việc thu hút và trọng dụng nhân tài, như vận động chuyên gia đầu ngành từ các cơ quan khác về phụ trách các viện chuyên ngành hoặc các hướng nghiên cứu mà Viện đang thiếu nhân lực tương xứng, giao đề tài có kinh phí lớn cho các cán bộ trẻ có năng lực từ nước ngoài trở về làm chủ nhiệm, xây dựng nhà ở tập thể cho các cán bộ trẻ thuê trong thời gian đầu về Viện làm việc…
Xây dựng kế hoạch gửi cán bộ khoa học trẻ đi đào tạo và đào tạo nâng cao ở nước ngoài trong những hướng nghiên cứu cần phát triển thông qua các chương trình hợp tác quốc tế của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam hoặc thông qua chương trình đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài của Nhà nước.
Củng cố, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, hành chính, dịch vụ, phục vụ… để đáp ứng tốt các yêu cầu nhiệm vụ của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong từng giai đoạn phát triển.
g) Củng cố, phát triển tổ chức
Củng cố, kiện toàn và phát triển Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các đơn vị trực thuộc có cơ cấu tổ chức hợp lý, khoa học, phù hợp với xu hướng hội nhập và thông lệ quốc tế, phát huy hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Chú trọng đến sự cân bằng về trách nhiệm, quyền hạn và phối hợp hoạt động giữa các bộ phận giúp việc và các viện nghiên cứu chuyên ngành. Nâng cao vai trò của các viện nghiên cứu chuyên ngành trong những công tác chung của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Tập trung nghiên cứu các vấn đề chiến lược quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Chỉ thành lập mới các tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức sự nghiệp khoa học và công nghệ trong những lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
h) Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật
Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất - kỹ thuật của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ, bảo tàng, cơ sở thực nghiệm, trạm, trại thực nghiệm của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại các khu công nghệ cao và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đáp ứng các yêu cầu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng thông tin khoa học và công nghệ (mạng internet, thư viện, thư viện số, xuất bản sách, tạp chí khoa học công nghệ…) của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đạt trình độ tiên tiến ở Đông Nam Á.
Đầu tư nâng cấp trang thiết bị, máy móc cho các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và phòng thí nghiệm của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam để tạo điều kiện phát triển các hướng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mũi nhọn, tăng cường năng lực nghiên cứu, xây dựng các tập thể khoa học mạnh đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
i) Hợp tác quốc tế
Tiếp tục duy trì, phát triển các mối quan hệ hợp tác truyền thống; chủ động mở rộng hợp tác với các viện Hàn lâm, các tổ chức quốc tế trên tinh thần hợp tác bình đẳng. Tranh thủ các cơ hội hợp tác quốc tế để tiếp cận nền khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới, tận dụng nguồn lực để giúp tạo ra được các sản phẩm công nghệ có chất lượng cao ở trong nước, đồng thời đào tạo nâng cao trình độ cán bộ và đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Trước mắt, hoạt động hợp tác quốc tế của Viện cần tập trung vào các nhiệm vụ sau đây: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế hỗ trợ các dự án, nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương; nâng cao năng lực thực thi các hoạt động chuyên môn cho cán bộ làm công tác hợp tác quốc tế của Viện và các đơn vị trực thuộc; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản, cơ chế, chính sách hiện hành của Viện liên quan hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ; rà soát, đánh giá lại các thỏa thuận, bản ghi nhớ, cam kết đã ký, từ đó đưa ra những định hướng đúng đắn cho hoạt động hợp tác trong giai đoạn tiếp theo.
Ưu tiên đầu tư xây dựng một số viện chuyên ngành trở thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo có uy tín trong khu vực Đông Nam Á, qua đó thu hút được sự quan tâm và hỗ trợ phát triển của quốc tế. Xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc thù để tạo đột phá trong việc thu hút các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài tham gia nghiên cứu, giảng dạy và thực hiện các nhiệm vụ khoa học tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Hỗ trợ các Viện chuyên ngành có học viên hay postdoc nước ngoài đến làm việc.
3. Kinh phí thực hiện quy hoạch
Kinh phí thực hiện các nội dung Quy hoạch được bố trí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước là chủ yếu và các nguồn vốn hợp pháp khác được huy động ở trong nước và nước ngoài.
Kinh phí để thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm liên quan đến sự phát triển các ngành khoa học và công nghệ mũi nhọn, hoặc các nhiệm vụ đặc biệt do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì thực hiện (nếu có) sẽ được tính riêng và không nằm trong dự toán kinh phí đầu tư thường xuyên của ngân sách nhà nước cho Viện.
Nhà nước đầu tư kinh phí từ ngân sách để đáp ứng mục tiêu xây dựng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam trở thành một trung tâm khoa học công nghệ lớn và đa ngành đạt trình độ tiên tiến của khu vực Đông Nam Á vào năm 2020 và đạt trình độ tiên tiến của châu Á vào năm 2030.
Toàn văn của Quy hoạch có thể hoặc tải về tại đây.