Nghiên cứu sản xuất thử nghiệm chế phẩm vi sinh và chế phẩm sinh học chitosan để phòng trừ bệnh và tăng năng suất cây hồ tiêu

22/01/2018
Hồ tiêu là một trong 10 cây công nghiệp chính và có giá trị hàng hoá cao trên đất nâu đỏ bazan của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Tuy nhiên, sản xuất hồ tiêu hiện nay đang phải đối mặt với một thách thức lớn do hồ tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm,… Đất trồng hồ tiêu ngày càng kém dinh dưỡng, hệ vi sinh vật hữu ích trong đất giảm, cây trồng ngày càng suy yếu tạo điều kiện cho sâu bệnh hại phát sinh ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Từ những kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu sản xuất và sử dụng một số chế phẩm sinh học nhằm nâng cao năng xuất cây hồ tiêu ở Quảng Trị” thực hiện năm 2012-2013 cho thấy việc ứng dụng chế phẩm vi sinh và chế phẩm sinh học Chitosan mang lại nhiều lợi ích đối với cây hồ tiêu. Vì vậy cần phải nghiên cứu sản xuất thử nghiệm và sử dụng các chế phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học chitosan mà Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đang nghiên cứu nhằm tăng cường khả năng phòng chống bệnh, cải thiện môi trường, tăng năng suất cây hồ tiêu, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, có chất lượng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững. Sản xuất được chế phẩm vi sinh vật và chế phẩm Chitosan phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm cây hồ tiêu ≥ 70%, tăng năng suất của hồ tiêu ≥ 15% và sản xuất và tiêu thụ 40 tấn chế phẩm vi sinh vật và 1500 lít chế phẩm Chitosan là mục tiêu của dự án. Sau 02 năm thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm, một số kết quả đạt được như sau:

Dự án đã hoàn thành quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh cho cây tiêu quy mô 100 tấn/năm bao gồm các chủng: 2 chủng vi khuẩn Bacillus subtilisBacillus flexus; 2 chủng xạ khuẩn S.diastatochromogenesS.antimycoticus; 1 chủng vi nấm Penicillum oxalicum.

Dự án đã hoàn thành quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học từ chitosan cho cây tiêu quy mô 3000 lít/năm. Chế phẩm sinh học Chitosan bao gồm: chất hữu cơ: 1500 mg; C:675 mg, O: 600 mg, N: 135 mg, H: 90 mg; thành phần khác: Nguyên tố vi lượng Na, Ca, Mn, Fe, P …).

Dự án đã sản xuất 40 tấn chế phẩm vi sinh kháng bệnh vàng lá thối cổ rễ cây tiêu và 1500 lít chế phẩm sinh học Chitosan.

chitosan.1chitosan.2

Chế phẩm vi sinh và chế phẩm sinh học Chitosan

Dự án đã ứng dụng mô hình quy mô 1 hecta sử dụng chế phẩm vi sinh và chitosan kết hợp thâm canh nhằm làm tăng năng suất hồ tiêu tại Quảng trị và Tây Nguyên. Sử dụng chế phẩm vi sinh và chế phẩm sinh học Chitosan đã tăng lợi nhuận hơn so với công thức chỉ bón phân chuồng họai mục 82,56 triệu đồng tại Quảng Trị, 90,4 triệu đồng tại Tây Nguyên; tỷ suất lợi nhuận đem lại từ chế phẩm vi sinh và chế phẩm sinh học Chitosan 2,7 lần tại Quảng Trị; 1,5 lần tại Tây Nguyên.

chitosan.3chitosan.4

Một số hình ảnh trong quá trình thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm

Sản phẩm của dự án đã áp dụng tại tỉnh Quảng Trị và tỉnh Đăk Lăk và mở rộng thị trường tiêu thụ tại các khu vực sản xuất hồ tiêu như các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.

Đề tài đã công bố 01 bài báo trên Tạp chí Hóa học; 01 phóng sự phát sóng trên đài truyền hình trung ương VTV8, 01 phóng sự  phát sóng trên đài truyền địa phương tỉnh Quảng Trị.

Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm KHCNVN họp ngày 05/09/2017 đánh giá xếp loại Xuất sắc.

Nguồn tin: Ths. Phạm Thị Thuý Hoài, Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung
Xử lý tin: Thanh Hà



Tags:
Tin liên quan