Những phát hiện nổi bật về hang động núi lửa Tây Nguyên

13/01/2021
Ngày 08/01/2021, đề tài "Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên; lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông", mã số TN17/T06, thuộc chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020 do GS.VS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN làm chủ nhiệm chương trình đã được Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước nghiệm thu.

TS. La Thế Phúc - Chủ nhiệm đề tài TN17/T06 trình bày Báo cáo tổng kết trước Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước

Chủ tịch Châu Văn Minh đã giao Đề tài cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm KHCNVN chủ trì, TS. La Thế Phúc chủ nhiệm. Trong thời gian thực hiện từ 8/2017 đến 8/2020, đề tài đã bám sát nội dung đăng ký, thực hiện thành công đề tài, góp phần đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng Hồ sơ Công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông, góp phần quyết định cho việc UNESCO công nhận danh hiệu CVĐC Toàn cầu cho CVĐC Đắk Nông vào ngày 07/7/2020. Bên cạnh đó, những phát hiện mới của đề tài đã được Bộ Khoa học và Công nghệ và CLB Nhà báo KH&CN VN, Hội Nhà báo Việt Nam vinh danh. Đồng thời đã gợi mở nhiều hướng nghiên cứu mới tiếp theo cho trên các lĩnh vực: địa chất, di sản địa chất, đa dạng sinh học và di sản văn hoá (di tích khảo cổ tiền sử). Với những đóng góp trên, Chủ nhiệm đề tài là TS. La Thế Phúc vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông trao tặng bằng khen vào ngày 24/11/2020.

Núi lửa Krông Nô

Chủ nhiệm đề tài đã báo cáo trước Hội đồng những phát hiện nổi bật, đó là:

(1) Phát hiện di tích khảo cổ tiền sử hỗn hợp (di tích cư trú + di tích xưởng + di tích mộ táng) ở hang C6.1 Krông Nô (Đắk Nông). Phát hiện này đã mở ra Hợp tác quốc tế với Trung tâm Geogenetics, Viện Toàn cầu của Đại học Copenhagen, Đan Mạch để nghiên cứu các chuyên môn sâu tiếp theo. 

(2) Phát hiện nhiều loài sinh vật mới cho khoa học và đặc hữu cho hang động núi lửa ở Krông Nô, Đắk Nông (đặc biệt có công bố quốc tế phát hiện loài bọ cạp mới có tên Chaerilus chubluk - mang tên núi lửa Chư B’Luk là ngọn núi lửa đã sinh ra hệ thống hang động núi lửa Krông Nô). Đây là loài bọ cạp lần đầu tiên được phát hiện trong hang động núi lửa trên thế giới.

(3) Phát hiện di sản hỗn hợp: di tích cư trú tiền sử thời Đá mới trên miệng núi lửa Hố Tre ở thôn Hòa Tây, xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nghiên cứu tính liên tục/dòng chảy lịch sử giai đoạn Đá mới ở lưu vực sông Sêrêpốk ở Nam Tây Nguyên.

(4) Phát hiện có hệ thống hàng loạt di tích thời Đá cũ dọc đới Sông Ba, làm cơ sở cho việc nghiên cứu phát hiện các nền văn hóa cổ đại - văn hoá Đá cũ được đề xuất tên gọi là Văn hóa Sông Ba ở Tây Nguyên, góp phần quy hoạch xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ di sản hỗn hợp ở các tỉnh có liên quan. Phát hiện này đã được các chuyên gia khảo cổ hàng đầu của Việt Nam và Liên bang Nga ghi nhận, là tiền đề để xây dựng một đề án lớn “Thiên nhiên và con người kỷ Đệ tứ ở Đông Dương, lấy thí dụ khu vực miền núi của Việt Nam” mà qua đó sẽ triển khai việc hợp tác nghiên cứu giữa Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và Viện Khảo cổ học Việt Nam với Viện Hàn lâm Khoa học Novosibirsk, Liên bang Nga.

Lần đầu tiên ở Việt Nam, đã tách chiết thành công ADN từ xương động vật cổ, mở ra một hướng nghiên cứu mới phục vụ công tác bảo tồn bảo tàng, đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu chuyên môn sâu về ADN từ xương động vật cổ và người tiền sử. 

Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên, Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu - TS.NCVCC Nguyễn Đình Kỳ đánh giá cao những kết quả của đề tài TN17/T06 mà “một tập thể tác giả hết sức nghiêm túc, hết sức đam mê và hết sức chuyên nghiệp” đã nỗ lực đạt được

Công tác khai quật di tích người tiền sử trong các hang C6 và C6.1 đã thu được số lượng lớn di vật (70-80 ngàn hiện vật); việc tiến hành nghiên cứu chi tiết về nhân chủng học, xác định niên đại C14, địa hóa trầm tích, địa tầng tầng văn hóa và biến thiên độ từ cảm, xác định AND đã cho phép đề tài đưa ra nhiều kết luận khoa học có tính thuyết phục cao về cư dân tiền sử ở Tây Nguyên cách nay 4-7 ngàn năm và cổ địa lý - cổ môi trường trong hang động núi lửa ở khu vực Tây Nguyên.

Dựa theo các tiêu chí đánh giá xếp hạng DSĐC của đề tài KC08.20/06-10, đề tài TN17/T06 đã đề xuất xếp hạng các hang động núi lửa ở Tây Nguyên theo các thứ hạng: 6 hang di sản cấp quốc tế; 40 hang cấp quốc gia, 4 hang cấp địa phương. Đây là những cơ sở ban đầu quan trọng cho việc tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đệ trình Uỷ ban di sản thế giới xem xét công nhận.

Về những nghiên cứu đánh giá DSĐC ngoài hang động, ở các khu vực phát triển đá basalt Tây Nguyên, đề tài đã tổng hợp, điều tra bổ sung và xác lập được 10 kiểu DSĐC liên quan đến hoạt động núi lửa ở Tây Nguyên với 302 điểm DSĐC, trong đó có giá trị hơn cả là các DSĐC kiểu A (địa chất) và kiểu B (địa mạo). Ngoài việc tổng hợp và nghiên cứu bổ sung về đa dạng sinh học ở Tây Nguyên thì phát hiện mới về di sản hỗn hợp (các DSĐC chứa các di tích tiền sử, phân bố rải rác ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông, đặc biệt là di tích thời đại Đá cũ ở lưu vực Sông Ba) là những kết quả mới rất đáng khích lệ, là nguồn tư liệu quý cho các nghiên cứu tiếp theo về DSĐC, di sản văn hóa - lịch sử ở Tây Nguyên. Trên cơ sở các nghiên cứu mới, đề tài đã xây dựng luận cứ khoa học về DSĐC (liên quan đến hoạt động núi lửa) làm tiền đề cho việc xây dựng Công viên địa chất ở Tây Nguyên. 

Bên cạnh việc nghiên cứu đánh giá hiện trạng của các DSĐC, di sản hang động núi lửa, thì việc nghiên cứu, tìm hiểu về các yếu tố xâm hại di sản, cũng như công tác quản lý, khai thác, bảo tồn di sản và đề xuất các giải pháp bảo vệ, bảo tồn các DSĐC ở Tây Nguyên là vô cùng quan trọng. Đề tài đã xây dựng được mô hình trưng bày Bảo tàng ngoài trời, bảo tồn di tích hang động ở Krông Nô (mô hình 3D) với nội dung và hình thức thiết kế tốt, có thể chuyển giao cho địa phương làm quy hoạch xây dựng thực tế phục vụ khai thác du lịch trong tương lai. Đồng thời, đề tài cũng đã xây dựng mô hình một số hoạt động của người tiền sử (tỷ lệ 1/1) để trưng bày trong hang. Mô hình này đang được lưu giữ tại UBND tỉnh Đăk Nông và Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Bộ cơ sở dữ liệu của đề tài được thiết kế có cấu trúc thích hợp, đáp ứng yêu cầu lưu giữ số liệu, cập nhật mới và khai thác thuận tiện.

Các kết quả khoa học của đề tài đã gây tiếng vang lớn thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý và xã hội; góp phần quan trọng vào hồ sơ Công viên Địa chất toàn cầu của tỉnh Đăk Nông đã được UNESCO vinh danh; đồng thời tạo ra các tiền đề mới, hướng nghiên cứu mới về các di sản thiên nhiên và văn hóa - lịch sử của Tây Nguyên. Việc triển khai thực hiện đề tài là một trong những hình mẫu cho xu hướng liên ngành khoa học xã hội với các khoa học tự nhiên, công nghệ và kỹ thuật; hợp tác quốc tế sâu rộng trong nghiên cứu các vấn đề khoa học quan trọng và có tác động tích cực cho việc hình thành và phát triển một số lĩnh vực KH&CN của RÚT TIỀN 188BET ; góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

GS.TS. Trương Quang Hải – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước công bố kết luận của Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài TN17/T06 đạt kết quả xuất sắc

Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu cấp quốc gia ngày 8/1/2021 do GS. Trương Quang Hải, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội làm Chủ tịch, đã nhất trí đánh giá đề tài đạt loại xuất sắc. Theo TS. NCVCC. Nguyễn Đình Kỳ - Phó Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 2016-2020, đề tài đã góp phần quan trọng phát triển bền vững Tây Nguyên trên cả 5 trụ cột: kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và an ninh. Đề tài cần tiếp tục đề xuất hướng hợp tác quốc tế, cũng như nghiên cứu trong nước đối với Công viên Địa chất Toàn cầu và chuẩn bị chu đáo việc Viện Hàn lâm KHCNVN bàn giao các kết quả nghiên cứu với tỉnh Đăk Nông phục vụ  khai thác, quản lý Công viên Địa chất Toàn cầu tại Tây Nguyên. Kết quả đề tài đã mở ra hướng nghiên cứu, quản lý hang động núi lửa Tây Nguyên để Nhà nước, quốc tế, các doanh nghiệp tư nhân góp phần xây dựng thể chế, pháp chế trong việc xây dựng đầu tư hợp lý di sản này.

Nguồn: Chương trình Tây Nguyên 2016-2020
Tổng hợp: Mai Lan. 



Tags:
Tin liên quan