Nghiên cứu đa dạng sinh học và đánh giá tiềm năng sử dụng nhóm côn trùng xã hội cánh màng ở vùng núi đá vôi thuộc Đông Bắc Việt Nam

22/03/2017
Vùng Đông Bắc nước ta có tính đa dạng sinh học cao và lưu giữ nhiều nguồn gen quý hiếm, độc đáo, không chỉ có giá trị về mặt khoa học mà còn có ý nghĩa kinh tế. Tuy vậy, tài nguyên thiên nhiên ở đây chưa được khai thác một cách hiệu quả và bền vững. Diện tích rừng tự nhiên ngày càng giảm do nạn phá rừng làm nương rẫy và khai thác gỗ. Thêm vào đó, việc khai thác khoáng sản không được kiểm soát làm xói mòn và thoái hóa đất, thiếu và ô nhiễm nguồn nước dẫn đến sút giảm đa dạng sinh học.

Trong thời gian qua đã có nhiều chương trình, dự án nghiên cứu về các lĩnh vực, đối tượng khác nhau và thu được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong các đề tài nghiên cứu vùng Đông Bắc, rất ít kết quả về sự đa dạng sinh học của các loài côn trùng xã hội cánh màng, cũng như các nghiên cứu về đánh giá hiện trạng quần thể, tiềm năng sử dụng và mối quan hệ sinh thái giữa các loài côn trùng xã hội cánh màng với các dạng sinh cảnh rừng và khu dân sinh tại vùng núi đá vôi, nhằm phục vụ công tác quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học của nhóm này, làm cơ sở nghiên cứu chỉ thị sinh học và tìm ra các loài có giá trị kinh tế, loài có khả năng nhân nuôi, giúp phát triển kinh tế địa phương.

Đề tài “Nghiên cứu đa dạng sinh học và đánh giá tiềm năng sử dụng nhóm côn trùng xã hội cánh màng ở vùng núi đá vôi Đông Bắc Việt Nam” được thực hiện để góp phần đáp ứng các đòi hỏi nêu trên. Đề tài do nhóm các nhà khoa học của Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, RÚT TIỀN 188BET do TS. Nguyễn Thị Phương Liên chủ trì, và đã được Hội đồng nghiệm thu cấp VAST đánh giá xếp loại xuất sắc tại phiên họp nghiệm thu ngày 14/2/2017.

Đề tài được thực hiện dựa trên 2 mục tiêu: (1) Xác định sự đa dạng loài và phân bố của các loài ong mật, ong bắt mồi và kiến (Apidae, Vespidae Formicidae) ở các vùng núi đá vôi thuộc Đông Bắc Việt Nam và (2) Phân tích mối liên quan sinh thái của các loài này với các dạng sinh cảnh rừng và khu dân sinh, xác định loài chỉ thị sinh học, loài có vai trò kinh tế xã hội, hiện trạng và đánh giá tiềm năng sử dụng chúng, từ đó đề xuất biện pháp bảo tồn và phát triển bền vững các loài này.

Đề tài đã thu được những kết quả chính như sau:

+ Trên các sinh cảnh núi đá vôi ở 8 tỉnh điều tra thuộc Đông Bắc, đã ghi nhận được 252 loài loài ong mật, ong bắt mồi và kiến (Apidae, Vespidae và Formicidae) thuộc 76 giống của 13 phân họ. Trong đó họ Apidae có 57 loài, 10 giống thuộc 2 phân họ, họ Vespidae có 96 loài, 31 giống thuộc 4 phân họ và họ Formicidae có 99 loài, 35 giống thuộc 7 phân họ.

+ Phát hiện và công bố 11 loài mới thuộc họ Vespidae: Parapolybia flava Saito-Morooka, Nguyen & Kojima, 2015; P. crocea Saito-Morooka, Nguyen & Kojima, 2015; P. albida Saito-Morooka, Nguyen & Kojima, 2015; Pararrhynchium striatum Nguyen, 2015; P. concavum Nguyen, 2015; Eumenes gibbosus Nguyen, 2015; E. longus Nguyen, 2016; E. congnatus Nguyen, 2016; Zethus angulatus Nguyen & Carpenter, 2016; Z. propodeus Nguyen & Carpenter, 2016. Có 15 loài là ghi nhận mới cho khu hệ côn trùng Việt Nam, trong đó có 8 loài thuộc họ Vespidae và 7 loài thuộc họ Apidae.

+ Xác định được thành phần các loài ong và kiến trên 4 sinh cảnh điều tra và chỉ số đa dạng sinh học của từng nhóm loài ở các sinh cảnh này.

+ Bước đầu nghiên cứu sử dụng ong mật Apis cerana F. làm chỉ thị cho sự ô nhiễm kim loại nặng (10 kim loại) trong môi trường. Đã chỉ ra hàm lượng các nguyên tố kim loại nặng trong bốn loại mẫu (cơ thể ong, ruột ong, mật ong và sáp ong) tại bốn điểm nghiên cứu là khác nhau và sự sai khác này có ý nghĩa (P<0,05). Kết quả này đã chỉ ra rằng ong mật (Apis cerana F.) có phản ứng với những thay đổi trong môi trường và loài này có thể được sử dụng như một loài chỉ thị sinh học trong quản lý môi trường.

+ Ghi nhận danh sách các loài ong và kiến có vai trò quan trọng,  được xác định thuộc nhóm sử dụng làm thực phẩm, thuốc và nguồn dược liệu cho vùng Đông Bắc. Đề xuất danh sách các loài ong và kiến có khả năng sử dụng làm chỉ thị sinh học cho các sinh cảnh khác nhau. Ghi nhận các loài ong và kiến có giá trị kinh tế ở khu vực nghiên cứu. Đề xuất danh sách các loài ong và kiến có thể sử dụng làm thiên địch trong phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại ở vùng Đông Bắc.

+ Đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững các loài ong và kiến ở vùng núi đá vôi Đông Bắc.

Khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu và các tác động của đề tài

Những thông tin mới và cập nhật của đề tài về tính đa dạng sinh học và phân bố của các loài cánh màng ở vùng núi đá vôi thuộc Đông Bắc Việt Nam đã đóng góp cho hướng nghiên cứu về địa lý sinh vật của các loài này ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung. Đề tài là cơ sở cho việc lựa chọn các loài chỉ thị sinh học và các loài có giá trị kinh tế, có khả năng sử dụng trong việc đánh giá tác động của môi trường lên tính đa dạng của các loài trong nhóm và sử dụng trong nhân nuôi, đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương ở khu vực nghiên cứu.

Đề tài cũng tạo cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất các phương hướng, các giải pháp cụ thể cho việc sử dụng, khai thác bền vững và bảo tồn các loài côn trùng cánh màng có ích ở vùng núi thuộc Đông Bắc Việt Nam, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của người dân trong vùng.

Các kết quả nghiên cứu khoa học và những sản phẩm của đề tài là những đóng góp cho hiểu biết về đa dạng sinh học ở vùng núi Đông Bắc Việt Nam, có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo và giảng dạy bộ môn Sinh thái học côn trùng, Phân loại côn trùng và Đa dạng sinh học.

Bên cạnh các kết quả nêu trên, đề tài công bố 17 bài báo khoa học trong và ngoài nước, trong đó có 12 bài báo quốc tế bao gồm 9 bài đăng trên các tạp chí nằm trong danh sách SCI-E, hỗ trợ 01 nghiên cứu sinh bảo vệ luận án tiến sĩ và góp phần đào tạo 03 học viên cao học bảo vệ luận văn thạc sỹ.

Một số hình ảnh trong quá trình thực hiện của đề tài:

dadangshvungdongbac

Tổ của loài Polistes tenebricosus Lepeletier, 1836 ở Khu bảo tồn thiên nhiên Phia Oắc, Cao Bằng

dadangshvungdongbac1

Khai thác sản phẩm của các loài ong bắt mồi họ Vespidae ở Bắc Kạn

dadangshvungdongbac2

dadangshvungdongbac3

Thực địa thu mẫu ở Lũng Cú, Hà Giang

Nguồn: Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật
Xử lý tin: Mai Lan 



Tags:
Tin liên quan