Điều tra đa dạng sinh học, đánh giá tiềm năng hoạt chất sinh học của ngành Rêu tản (marchantiophyta) và ngành Rêu sừng (anthocerotophyta) ở các tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam

25/06/2021
Hiện nay ở Việt Nam, trong số các nhóm thực vật thì rêu là nhóm còn ít được quan tâm nghiên cứu nhất. Để góp phần đánh giá đa dạng các ngành Rêu tản (Marchantiophyta) và Rêu sừng (Anthocerotophyta) ở Việt Nam đồng thời tìm hiểu tiềm năng về hoạt tính sinh học và chỉ thị sinh học của chúng, PGS.TS. Nguyễn Văn Sinh và nhóm nghiên cứu Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã thực hiện đề tài: “Điều tra đa dạng sinh học, đánh giá tiềm năng hoạt chất sinh học của ngành Rêu tản (marchantiophyta) và ngành Rêu sừng (anthocerotophyta) ở các tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam”; mã số UQĐTCB.05/19-20. Đề tài đã được Hội đồng khoa học nghiệm thu đánh giá xếp loại xuất sắc vào ngày 26/3/2021.

Rêu (Bryophytes) bao gồm ba ngành là ngành Rêu thật (Bryophyta -  Moss), ngành Rêu tản (Marchantiophyta - Liverwots) và ngành Rêu sừng (Anthocerotophyta – Hornworts). Rêu tản và Rêu sừng là những loài thực vật tiên phong trên cạn. Khoảng 500 triệu năm trước, khi xuất hiện trên cạn chúng đã làm nồng độ CO2 trong khí quyển giảm đáng kể khiến nhiệt độ trái đất hạ và kéo theo một kỳ băng giá. Ngày nay Rêu tản vẫn đóng vai trò tiên phong chiếm lĩnh không gian sống mới, đặc biệt trong việc bắt đầu hình thành đất trên địa hình cằn cỗi, trong việc duy trì độ ẩm của đất và tái chế chất dinh dưỡng trong thảm thực vật rừng. 

Năm 2008 Söderström et al. đã tổng kết các danh lục Rêu tản trên thế giới từ năm 1900. Theo đó, danh lục đầu tiên ở Châu Âu thuộc về Müller (1910-1916); danh lục đầu tiên ở Châu Phi thuộc về Sim (1916) cho Nam Phi; danh mục đầu tiên ở Châu Á thuộc về Kasshyap (1929) cho Pakistan; danh lục đầu tiên ở Châu Đại dương thuộc về Rodway (1917) cho Tasmania; danh lục đầu tiên ở Châu Mỹ thuộc về Macoun (1902) cho Canada. Danh lục Rêu đầu tiên của Việt Nam được xuất bản bởi một nhà nghiên cứu Rêu người Hungary T. Pócs (1965), danh lục này bao gồm 394 loài Rêu thật và 162 loài Rêu tản và Rêu sừng. 

Tổng số 131 tài liệu tiếng Anh đã được tham khảo để đánh giá tiềm năng về hoạt chất sinh học của các ngành Rêu tản và Rêu sừng. Kết quả tổng quan tài liệu cho thấy, hầu hết các loài Rêu tản chứa chủ yếu là các mono-, sesqui- và diterpenoids ưa béo, các hợp chất thơm (bibenzyls, bis-bibenzyls, benzoates, cinnamates, long-chain alkyl phenols, naphthalenes, phthalides, isocoumarins) và acetogenins, chúng tạo thành các thể dầu. Hoạt tính sinh học của các loài Rêu tản là nhờ các chất này. Các nhà khoa học đã lập được danh sách 93 loài Rêu tản và Rêu sừng có chứa hoạt tính sinh học, trong đó có 29 loài đã được ghi nhận có phân bố ở Việt Nam. Kết quả tổng quan tài liệu cho thấy trên thế giới có tới 300 loài Rêu sừng trong khi chỉ có một vài loài được nghiên cứu về mặt hóa học. Trong số 93 loài có hoạt chất sinh học thống kê được chỉ có 3 loài là Rêu sừng (Anthoceros agrestis, Anthoceros caucasicus, Megaceros flagellaris) và trong số đó chỉ có 1 loài đã được ghi nhận ở Việt Nam (Megaceros flagellaris).

Các nghiên cứu về chỉ thị sinh học đã đi đến kết luận rằng bất kể khu vực địa lý, loại xáo trộn, môi trường hoặc sinh vật, chỉ thị sinh học tốt thường chia sẻ một số đặc điểm, đó là: khả năng chỉ thị tốt; dồi dào và phổ biến; được nghiên cứu kỹ; quan trọng về kinh tế/thương mại. Tổng số 23 tài liệu tiếng Anh đã được tham khảo để đánh giá tiềm năng về giá trị chỉ thị sinh thái của các loài Ngành Rêu tản và Ngành Rêu sừng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Rêu tản và Rêu sừng có tiềm năng chỉ thị trong nhiều lĩnh vực: ô nhiễm kim loại nặng, độ chua (pH) của môi trường, năng suất và tình trạng dinh dưỡng của các loại rừng, biến đổi khí hậu và suy thoái rừng.

Trong suốt quá trình thực hiện đề tài, nhóm các nhà khoa học Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã thực hiện điều tra thực địa thu mẫu ở 8 tỉnh gồm: Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn. Mẫu thu được đã được xử lý, định loại và xây dựng được 624 tiêu bản đáp ứng lưu trữ lâu dài phục vụ mục đích nghiên cứu. Toàn bộ số mẫu đã xây dựng thuộc 239 loài, 76 chi, 42 họ, 6 bộ, 4 lớp, 2 ngành. 
 


Các cán bộ tham gia dự án thực hiện chuyển khảo sát thực địa 

Qua thống kê tài liệu và kết quả của dự án đã xác định được hiện ở Việt Nam có 625 loài Rêu tản và Rêu sừng đã được ghi nhận và lập được danh mục của 625 loài này. Đặc biệt trong số đó chỉ có 8 loài Rêu sừng. Dự án đã phát hiện cho khoa học 1 chi mới (Vietnamiella) và 2 loài mới (Vietnamiella epiphytica và Calypogeia vietnamica). Một cơ sở dữ liệu đã được xây dựng cho các mẫu Rêu tản và Rêu sừng, bao gồm thông tin 624 tiêu bản của hai bộ mẫu được lưu trên cùng máy chủ với trang web của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật tại địa chỉ:
.


Sản phẩm của nhiệm vụ: Trang cơ sở dữ liệu Rêu tản và Rêu sừng 

Nhóm nghiên cứu đã hợp tác với các chuyên gia Nga từ Phân viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Các nhà khoa học Nga là những người đã có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về Rêu tản và Rêu sừng. Vì vậy sự hợp tác rất hiệu quả và hỗ trợ nhiều cho các cán bộ nghiên cứu Việt Nam nắm bắt kinh nghiệm trong một lĩnh vực nghiên cứu còn khá mới mẻ. Các kết quả của nhiệm vụ là cơ sở quan trọng đặt nền móng cho việc nghiên cứu Rêu tản và Rêu sừng ở Việt Nam.

Nguồn tin: Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật
Xử lý tin: Minh Tâm


Tags:
Tin liên quan